Thị trường bất động sản luôn có tính chu kỳ theo hình sin, thông thường từ 7-8 năm, hiện tại thị trường đất nền đang ở trong giai đoạn phát triển tăng tốc và ở giữa của chu kỳ, sẽ còn tăng trưởng trong vòng 4 năm tới.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đất nền sốt nóng, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư” đang khá “sốt nóng” thời gian gần đây và được dư luận xã hội quan tâm.
Không bắt được “sóng” sẽ mất cơ hội
Ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch CENGROUP dự báo, xét trên góc độ chu kỳ của thị trường thì 2018 là năm vô cùng quan trọng của nền kinh tế nói chung, cũng như đối với các ngành nghề, trong đó có bất động sản.
Theo phân tích của ông Hưng, thị trường luôn có quy luật và có tính chu kỳ, thông thường khoảng từ 7 đến 8 năm. Đối với bất động sản, bắt đầu manh nha phục hồi từ cuối năm 2014 đầu 2015 sau cơn khủng hoảng, thì đến nay mới chỉ được tầm 3 năm, đâu đó đang ở giữa của chu kỳ tăng trưởng.
Vì thế, thời điểm này dù ở đâu đó đang diễn ra tình trạng “sốt nóng” cục bộ, tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, theo ông Hưng đây là thời điểm rất tốt để đầu tư đất, chưa phải là đỉnh mà đang vào chu kỳ đi lên.
“Nếu nhà đầu tư không bắt nhịp thời điểm này sẽ mất cơ hội vàng trong nhiều lĩnh vực không riêng gì bất động sản hay đất nền dự án. Năm nay thực hiện cam kết điều khoản WTO, mở cửa thị trường bán lẻ, cho người nước ngoài mua nhà… các yếu tố vĩ mô, chính trị cũng rất vượng”, ông Hưng chia sẻ.
Đương nhiên, việc đầu tư vào đất nền đang được cho là sốt nóng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, các chuyên gia tại buổi tọa đàm cũng khuyên các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ về các yếu tố như quy hoạch, pháp lý dự án, chủ đầu tư dự án, khu vực thị trường…trước khi xuống tiền.
Và để có cơ sở đầu tư, ông Phạm Thanh Hưng nhấn mạnh đến những tác động đến từ: Thứ nhất là về quy hoạch, thứ hai là hạ tầng và thứ 3 là chính sách vĩ mô có ưu tiên phát triển khu vực đó hay không. Ông Hưng lấy ví dụ như ở Vân Phong hay Vân Đồn liệu trong tháng 7 tới Nhà nước có phê duyệt lên đặc khu hay không sẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường khu vực này.
Thị trường còn tăng trưởng 4 năm nữa
Còn ông Dương Đức Hiển – Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam, cũng nhìn nhận theo chu kỳ thị trường thì bất động sản khủng hoảng gần nhất là vào 1997, sau đó bùng nổ trong giai đoạn 2005- 2009, rồi sau đó lại khủng hoảng vào năm 2011 đến 2015.
Đến năm 2017 thì thị trường đón nhận cú hích rất quan trọng đối với nền kinh tế là APEC 2017. Savills Việt Nam nhận thấy, kể từ đó đến nay có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Cũng đồng quan điểm với ông Hưng, ông Hiển cho rằng thị trường bao giờ cũng biến động theo chu kỳ hình SIN. Và với đà tăng trưởng như hiện nay thì ông dự báo thị trường còn đi lên khoảng 4 năm nữa.
Trích cafef