1. Sự tích Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp)
Theo truyền thuyết có hai vợ chồng Thị Nhi – Trọng Cao, ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh đuổi vợ. Thị Nhi bỏ nhà đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao nguôi giận, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi bèn đi tìm vợ.
Vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Tinh cờ đến nhà Thị Nhi, họ nhận ra nhau và tình cảm lại nảy sinh như cũ. Thị Nhi đã trót lấy Phạm Lang làm chồng nên không biết tính sao, sợ chồng trở về nhà bát gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên nàng bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.
Phạm Lang đi về vô tình đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi chứng kiến cảnh Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đồng rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người và việc chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bằng cách cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi bếp của người Việt. Từ đó, ba người họ được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.
Táo Quân hay gọi là Táo Công được dân gian tin là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Tương truyền, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Cụ thể những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình.
2. Hiểu chuyện Táo Quân chầu trời theo quan điểm nhân quả
Luật nhân quả là định luật tự nhiên của cả vũ trụ, vì thế tất cả những hành vi thiện, ác của mỗi người đều là những nhân dẫn đến những quả tốt hay xấu. Việc Táo Quân lên chầu trời chính là ẩn dụ cho việc ghi nhận khách quan của tự nhiên, qua đó nhắc nhở mỗi gia đình, cá nhân ôn lại tất cả những hành vi thiện ác của mình trong cả năm qua. Càng làm được nhiều việc tốt (qua hành động, lời nói, suy nghĩ) thì phước đức của chúng ta càng tăng trưởng; càng làm nhiều việc không tốt (sát sinh, trộm cắp, tổn hại đến sức khoẻ và tinh thần chúng sinh khác,…) thì phước đức của chúng ta càng giảm và quả xấu có thể trổ ra bất kỳ lúc nào.
3. Mâm cỗ cúng Táo Quân
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
So với trước kia, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày nay đã được đơn giản hơn, không bắt buộc phải có đầy đủ các món ăn truyền thống.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
4. Khấn nguyện
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Con kính lễ chư Phật mười phương, chư Bồ tát, chư Thần, chư Thánh, chư Thành hoàng Thổ địa, chư Táo Quân.
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm…
Con tên là:…
Con xin sắm sửa chút lễ mọn để tỏ lòng thành kính, biết ơn các Ngài đã bảo vệ và giúp đỡ con và gia đình trong năm vừa qua.
Con xin sám hối tất cả những điều xấu con đã vô tình hoặc cố ý gây ra từ trước đến nay do kết quả của tham sân, si; con quyết tâm sẽ hạn chế và giải trừ chúng.
Cầu xin các Ngài phù hộ cho con, gia đình và tất cả mọi người một năm mới hạnh phúc bình an, tai qua nạn khỏi, sức khoẻ dồi dào, trí tuệ và phước đức trở nên viên mãn. Con xin nương tựa Tam Bảo, thường làm điều lành, tránh xa điều ác, tin sâu nhân quả, tích tập công đức và tăng trưởng trí tuệ.